Socplay

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam? Một Câu Hỏi Chưa Có Lời Giải Đáp

(Trương Quang Đệ/ Viet_Studies) - Theo VOA hội thảo lần này gần như đạt đến một nhận xét chung: Lợi thế của Miền Bắc là có chính nghĩa và chính nghĩa này do bộ máy tuyên truyền của Miền Bắc hoạt động hiệu quả. Một mặt đối với nhân dân trong nước, cuộc chiến được xem là chiến đấu chống xâm lược, giải phóng dân tộc. Mặt khác trên trường quốc tế, Mỹ không thể tránh được việc bị coi là xâm lược vì Mỹ đã giúp Pháp tái chiếm Đông Dương nhưng không thành công. Phía VNCH thì không thoát được cảnh lệ thuộc hoàn toàn vào ngoại bang, lại mất lòng dân vì các chính sách bạo lực trong một đường lối chống cộng cực đoan.


Mấy ngày gần đây ở Washington diễn ra một cuộc hội thảo khá đồ sộ, thu hút đông đảo chuyên gia, học giả, chính khách quốc tế và hiển nhiên có nhiều người Mỹ, người Việt tham gia. Chủ đề hội thảo là "Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam sau 43 năm". Chủ đề rộng như vậy nhưng thực tế những người tham gia hội thảo đều cố gắng hạn chế vào khuôn khổ tìm kiếm một lời giải đáp mà họ hy vọng là thỏa đáng cho câu hỏi: Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?

Ai cũng biết từ 1975 đến nay đã có hàng núi văn kiện, bài báo, hồi ký của các chính khách và các tướng lĩnh Nỹ, Pháp, Việt Nam (bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc) nói về cuộc chiến Việt Nam và sự thất bại của Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều hội thảo đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới về chủ đề này, đặc biệt hội thảo giữa những năm 90 của thế kỷ trước ở Hà Nội với sự tham gia của Tướng Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara.

Hầu như những kết luận của các hội thảo, những nhận xét của các nhà báo, chính khách, học giả.. vẫn chưa thuyết phục được hết thảy mọi người. Phía thắng cuộc không phải ai cũng thỏa mãn với những kết luận chính thức trong các văn kiện của Đảng Cộng Sản cầm quyền hay những gì được ghi trong các sách giáo khoa lịch sử. Phía thua cuộc, Mỹ và nhiều giới quân sự, dân sự VNCH cũ có vẻ ấm ức không hiểu tại sao lại thua và muốn biết đâu là lời giải đích thực thay vì những nhận xét không mấy thuyết phục của mỗi bên từng thấy trên báo chí và trong các hồi ký, bút ký. Do vậy câu hỏi trên gây ra tranh cãi liên miên và chắc sẽ không bao giờ dứt.

Linh tính báo cho tôi hay là phải nhiều thập kỷ nữa họa chăng mới có lời giải đáp thuyết phục được mọi người. Việc phía Mỹ cũng như những người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ băn khoăn trăn trở là điều dễ hiểu vì trước đây họ tin chắc rằng không có lí do gì để thất bại cả, Họ có nhiều lợi thế hơn Miền Bắc.

Thực vậy, về mặt vật chất VNCH và Mỹ có một đội quân trội hơn nhiều so với Miền Bắc: quân số, vũ khí, phương tiện hậu cần vv... Họ luôn làm chủ bầu trời, mặt biển và đường sông. Họ hành quân bằng trực thăng và các phương tiện cơ giới linh hoạt, trong lúc đó quân đội Miền Bắc và quân Giải phóng Miền Nam chủ yếu dùng đôi chân. Về tinh thần, họ được nhiều quốc gia Phương Tây và Đông Nam Á ủng hộ và các đồng minh này luôn phối hợp chặt chẽ với nhau. Trong lúc đó Miền Bắc dựa vào Trung Quốc và Liên xô trong hoàn cảnh hai nước này thù hằn không đội trời chung, xung đột gay gắt. Trong nước thì Miền Nam có nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường tự do khiến cho dân chúng có đời sống không chỉ no đủ mà còn khá tiện nghi. Trong lúc đó ở Miền Bắc với nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp, cuộc sống đa số dân chúng hết sức khó khăn gian khổ.

Theo VOA hội thảo lần này gần như đạt đến một nhận xét chung: Lợi thế của Miền Bắc là có chính nghĩa và chính nghĩa này do bộ máy tuyên truyền của Miền Bắc hoạt động hiệu quả. Một mặt đối với nhân dân trong nước, cuộc chiến được xem là chiến đấu chống xâm lược, giải phóng dân tộc. Mặt khác trên trường quốc tế, Mỹ không thể tránh được việc bị coi là xâm lược vì Mỹ đã giúp Pháp tái chiếm Đông Dương nhưng không thành công. Phía VNCH thì không thoát được cảnh lệ thuộc hoàn toàn vào ngoại bang, lại mất lòng dân vì các chính sách bạo lực trong một đường lối chống cộng cực đoan.

Không biết những nhận định trên đây của hội thảo vừa qua ở Mỹ có sức thuyết phục đến mức nào, nhưng tôi tin rằng sự tranh cãi đôi khi lại bùng nổ dữ dội hơn. Bởi lẽ phía thua cuộc luôn dị ứng với khái niệm "chính nghĩa". Họ nhìn sự vật theo nhãn quan đồng đại, nghĩa là lấy cái hiện nay để suy xét cái đã qua. Lập luận của họ là "Đã là cộng sản thì làm sao có chính nghĩa với những vụ như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương...ở trong nước và Thiên An Môn, Khơ Me đỏ... ở bên ngoài".

Thực ra muốn xem xét sự vật một cách khách quan thì phải đặt mình vào hoàn cảnh đất nước năm 1945. Hội thảo Washington vừa qua cho rằng Miền Bắc có được chính nghĩa nhờ khéo tuyên truyền, vận động quần chúng. Sự thực không hẳn như vậy. Chính nghĩa của Miền Bắc do Trời cho khi họ duy nhất huy động dân chúng chống lại việc tái chiếm thuộc địa của Pháp. Chỉ cần so sánh bản chất Quân đội Nhân dân và Quân đội Cộng hòa thì thấy chính nghĩa thuộc về ai. Quân đội Nhân dân có nguồn gốc lịch sử từ Đội tuyên truyền giải phóng quân do Võ Nuyên Giáp chỉ huy và điều nực cười là do Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS ở Côn Minh huấn luỵện.


Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội VNTTGPQ (tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh baotanglichsu.vn

Trên thực tế Quân đội Nhân dân được tạo ra từ nhiều nguồn tự phát của từng địa phương, từng bộ phận dân chúng gần như không có sự lãnh đạo của Đảng như sách vở chính thức gán ghép về sau. Công lao của Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim rất lớn: lực lượng thanh niên của Bộ này chuyển sang phục vụ Việt Minh ngay sau khi VNDCCH chưa thành lập, hầu hết nhân sự từ bộ trưởng trở xuống đều tham gia Việt Minh. Từ ngày Pháp chiếm lại Nam Bộ và ba bốn năm sau đó, việc liên lạc từ Trung Ương xuống địa phương rất khó, vì vậy các địa phương tổ chức lấy lực lượng vũ trang cấp trung đội hay đại đội. Các chỉ huy đến từ hàng ngũ binh lính cũ của Pháp, các nhóm vũ trang Bình Xuyên vv.

Nên nhớ rằng trước năm 1950, khi Mao chưa giành được chính quyền, Quân đội Nhân dân không có nước ngoài nào giúp đỡ, trừ Mỹ đối với đội du kích tướng Giáp những năm 1944-1945. Mọi người hiểu ngay rằng Quân đội Nhân dân đúng là do dân lập ra theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quân đội Nhân dân chỉ được trang bị bằng vũ khí thô sơ (giáo, mác, gậy...) và súng đạn lấy được từ những trận phục kích lẻ tẻ. Không chỉ quân đội, các chính quyền địa phương của VNDCCH đều do dân tự phát bầu ra, đa số cán bộ chủ chốt ban đầu là những nhân sĩ, người có trình độ học vấn khá, những bộ mặt văn hóa địa phương. Sau này khi thực thi đường lối tả khuynh, người ta mới lần lượt thay thế những loại cán bộ như thế, kể cả trong quân đội, bằng những tầng lớp công nông ít văn hóa.

Còn Quân đội Cộng Hòa thì sao? Các ông Diệm, Nhu, những người có thể được coi là quốc gia đích thực vì không dính gì đến quân viễn chinh Pháp, khi lật đổ Bảo Đại để lập nên VNCH đã mắc sai lầm là giữ nguyên quân đội của Bảo Đại do Pháp dựng nên để chiến đấu cùng họ trong việc tái chiếm thuộc địa.


Ảnh bienxua.wordpress.com

Chính phủ của ông Diệm chỉ xua được tướng Hinh về Pháp mà thôi. Khi Pháp rút đi thì Mỹ thay thế Pháp để trang bị, huấn luyện quân đội này và như vậy quân đội đó luôn nằm dưới sự thao túng của ngoại bang, nhiều lần trở thành công cụ của Mỹ để lật đổ các chính quyền VNCH. Đó là nguyên do tại sao nó tan rã nhanh chóng khi không còn sự hỗ trợ trực tiếp của ngoại bang nữa.

Có thể góp với hội thảo ở Mỹ vừa qua một vài suy nghĩ cá nhân có tính tư biện, mong được lắng nghe và bàn thảo thêm cho rõ. Mỹ thất bại ở Việt Nam cách đây 43 năm là do, như các cụ ngày xưa nói, không có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Về thiên thời, dầu mục tiêu của Mỹ là ngăn cộng sản từ phía Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á theo hiệu ứng domino (thuyết Eisenhower), nhưng thời điểm Mỹ can thiệp vào Việt Nam trùng với trào lưu phi thực dân hóa rầm rộ toàn cầu. Vô hình trung, cuộc chiến do Mỹ chủ xướng biến thành cái đuôi của cuộc chiến tranh thực dân đang hết thời. McNamara cũng nhận là Mỹ gặp phải sự kháng cự của toàn thể một dân tộc chứ không riêng gì lực lượng cộng sản. Về địa lợi, lực lượng miền Bắc và quân giải phóng miền Nam là những lực lượng tại chỗ (quân miền Bắc cư trú ở dãy Trường Sơn, quân giải phóng sống ngay ở Sài gòn và khắp nơi miền Nam), họ bám trụ vào dân, thông thạo địa hình, khi ẩn khi hiện làm Mỹ nản lòng trong việc săn bắt. Về nhân hòa thì như trên đã nói, việc cộng sản đe dọa thì chưa thấy mà chỉ thấy Mỹ thực hiện một cuộc phiêu lưu quân sự nhằm duy trì việc chia cắt vĩnh viễn Việt Nam, việc chia cắt không một người Việt nào tán thành, các nước trên thế giới thì dè dặt không ai muốn công khai ủng hộ Mỹ.

Tướng Mỹ Omar Bradley (1893-1981), trong phiên điều trần trước Ủy Ban Quốc phòng và Đối ngoại Thượng Viện Mỹ ngày 15/5/1951 về việc có nên mở rộng chiến tranh Triều Tiên sang lãnh thổ Trung Quốc không, đã nói một câu chí lý: Đó sẽ là một cuộc chiến sai lầm, sai địa điểm, sai thời gian, sai địch thủ (the wrong war at the wrong place, at the wrong time and with the wrong enemy ). Câu nói ấy vận dụng vào trường hợp Việt Nam thì quá thích hợp. Quả vậy, ngoài đặc thù về nơi chốn, thời điểm bất lợi đã phân tích trên đây, cái sai về địch thủ lần này rõ rệt hơn nhiều so với năm 1951 ở Triều Tiên. Mỹ cứ tưởng vào Việt Nam để tiêu diệt một toán quân cộng sản chân tay của Nga và Trung Quốc. Thực tế Mỹ phải chống lại hầu như toàn bộ người Việt đã biết thế nào là độc lập khi Nhật lật đổ Pháp trao lại cho họ rồi ít tháng sau, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, họ tự vũ trang một cách tự phát để chống lai quân viễn chinh Pháp đang ra sức tái chiếm thuộc địa.

Trương Quang Đệ
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-9-18

Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/TruongQuangDe_CauHoiChuaGiaiDap.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét