Socplay

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Lịch sử quan hệ Việt-Trung nhìn từ góc độ đại chiến lược

Vũ Hồng Lâm*

Tổng quan

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ địa chính trị lâu đời nhất trên thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Nói “quan hệ địa chính trị” để nói về một phạm trù tổng quát hơn, bao trùm hơn phạm trù “quan hệ giữa hai quốc gia”. Bởi vì trong gần hai mươi hai thế kỷ lịch sử của nó, quan hệ Việt-Trung không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai quốc gia, càng không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai “nhà nước dân tộc có chủ quyền”, như ta vẫn quen hình dung về mối quan hệ giữa hai “nước” trong thế giới hiện đại. “Quan hệ Việt-Trung” ở đây được hiểu là mối quan hệ giữa hai thực thể địa chính trị. Mối quan hệ địa chính trị này trong từng thời kỳ có tính chất gì, mang đặc điểm gì, hay có thể gọi là gì, đó chính là câu hỏi bao trùm của bài nghiên cứu này.

Quan hệ Việt-Trung trong gần 2200 năm tồn tại từ thế kỷ 2 trước Tây lịch đến nay có thể chia ra bốn thời kỳ cơ bản. Thời kỳ thứ nhất quen gọi là “thời kỳ Bắc thuộc”, dài khoảng một ngàn năm, từ lúc nước Âu Lạc của An Dương Vương thuộc về nước Nam Việt của Triệu Đà (năm 179 tr. TL), khi mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng với miền Trung nguyên Trung Quốc được thiết lập thông qua quan hệ Hán-Nam Việt, cho đến thời điểm Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938 sau TL). Thời kỳ thứ hai gọi chung là “thời kỳ Đại Việt”, dài tương đương, từ khi Ngô Quyền xưng vương (939) đến khi Pháp đặt nền bảo hộ ở Việt Nam và nhà Thanh công nhận chủ quyền của Pháp ở đây (1883). Thời kỳ thứ ba quen gọi là “thời kỳ Pháp thuộc”, kéo dài khoảng 6 thập niên, từ 1883 đến 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Thời kỳ thứ tư gọi chung là “thời kỳ Việt Nam”, dài tương tự, từ 1945 đến nay. Thời kỳ này gồm 3 giai đoạn: (1) từ cuối thập niên 40 đến cuối thập niên 60, (2) từ đầu thập niên 70 đến cuối thập niên 80, (3) từ đầu thập niên 90 đến nay.

Thời kỳ Bắc thuộc

Thời Bắc thuộc, Việt Nam được tổ chức thành quận huyện trong cơ cấu nhà nước đế quốc Trung Hoa với tên gọi “Giao châu” (nửa đầu thời kỳ) và “An Nam đô hộ phủ” (nửa sau thời kỳ). Quan cai trị Việt Nam do vua Trung Quốc bổ nhiệm. Như vậy, Việt Nam thống thuộc vào Trung Quốc về nhân sự lãnh đạo cũng như về chính sách. Song thực tế không nhất thiết là như vậy. Có hai cách đi ra ngoài khuôn khổ của triều đình Trung Hoa.

Cách thứ nhất được thực hiện bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang, sau đó người lãnh đạo khởi nghĩa xưng “vương” hoặc xưng “đế”. Hiện tượng các thủ lĩnh địa phương nổi lên xưng đế là hiện tượng bình thường trong lịch sử Trung Quốc. Thế nhưng trong đa số trường hợp họ đều hướng tới chiếm lĩnh Trung nguyên, thâu tóm cả Trung Quốc về mình: Dưới vòm trời chỉ có một mặt trời mà thôi. Song ở Việt Nam, những người nổi lên xưng vương xưng đế chưa bao giờ nuôi ý đồ tiến chiếm Trung nguyên. Họ luôn coi Trung Quốc như một thiên hạ khác. Họ không định gồm thâu Trung Quốc, mà ngược lại, họ muốn rạch ngang vòm trời, chia thiên hạ làm hai, nửa bắc của người bắc, nửa nam của mình. Ở đây, người ta vẫn sử dụng mô hình thế giới của Trung Hoa, nhưng bóp méo nó đi ở một điểm cơ bản: Thiên hạ chia hai, có hai mặt trời. Tư tưởng này là viễn tượng về trật tự thế giới của hàng loạt các thế lực lãnh đạo Việt Nam cho đến mãi về sau. Nó thể hiện trong đế hiệu “Lý Nam đế” của Lý Bí (544), trong bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” được cho là của Lý Thường Kiệt (1075), trong bài phú “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi (1428). Nhưng không phải nó chỉ bắt đầu với Lý Bí. Nó đã bắt đầu rất sớm, trước cả khi có mối quan hệ Việt-Trung nếu ta quan niệm quan hệ Việt-Trung khởi sự cùng với mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng và miền Trung nguyên Trung Quốc. Do đó, mối quan hệ địa chính trị giữa Việt Nam và Trung Hoa ngay từ khi khởi sự đã được lồng trong cái tư tưởng “Bắc Nam chia đôi” ấy. Kẻ khởi xướng ra cái tư tưởng “Bắc Nam tương xứng” đó là Triệu Đà, nguyên là một viên tướng nhà Tần cử xuống cai trị ở vùng Lĩnh Nam. Nhân lúc trung ương Hoa Hạ suy yếu, họ Triệu nổi lên xưng đế, lập nước Nam Việt, xây dựng chính quyền theo hình mẫu Trung Hoa, nhưng cải lối sống theo tục Việt. Tuy nhiên Triệu Đà sớm phải thỏa hiệp với Trung Hoa: Ông phải bỏ xưng “đế”, chịu cho nhà Hán phong “vương”, nghĩa là công nhận tư cách của mình chỉ như một chư hầu mà vua Hán là bá chủ. Trong suốt thời Bắc thuộc, các cuộc khởi nghĩa của người Việt cũng đều ngắn ngủi. Phần thắng vẫn thuộc về kẻ muốn áp đặt trật tự thế giới một trung tâm, mà Việt Nam trong đó chỉ có tư cách quận huyện.

Cách thứ hai là chấp nhận tư cách quận huyện của Việt Nam trong cơ cấu tổ chức nhà nước Trung Quốc, nhưng giữ cho mình một không gian tự chủ riêng. Kẻ cai trị Giao châu hay An Nam tự lập vào chức đứng đầu bộ máy cai trị địa phương hoặc cha truyền con nối, sự sắc phong của triều đình trung ương bên Trung Hoa chỉ là hình thức. Tự chủ trong nhân sự lãnh đạo đi kèm với tự chủ trong chính sách. Những thời kỳ như vậy nổi bật nhất có họ Sĩ (tk 2 sau TL) và họ Khúc (tk 9).

Thời kỳ Đại Việt

Đây là lúc Việt Nam không còn chấp nhận tư cách quận huyện trong đế quốc Trung Hoa nữa, và Trung Hoa cũng phải chấp nhận cho Việt Nam nằm ngoài cương vực của mình. Lịch sử quan hệ Việt-Trung trong thời kỳ này là lịch sử sự xung đột và thỏa hiệp, lịch sử sự thể chế hóa các xung đột và thỏa hiệp ấy giữa hai viễn tượng về trật tự thế giới.

Trung Hoa áp đặt trật tự thế giới của mình thông qua “lễ”. Để khẳng định vị trí của mình trong trật tự thế giới của Trung Hoa, Việt Nam phải nộp cống, kẻ cầm quyền mới lên ngôi phải cầu phong, nhận sắc chỉ của hoàng đế Trung Hoa phải khấu đầu, nếu không làm tròn phận sự sẽ bị cất quân hỏi tội.

Việt Nam thực hiện một chính sách hai mặt. Một mặt vẫn thực hiện đủ lễ với Trung Hoa, nghĩa là về hình thức công nhận trật tự thế giới của Trung Quốc. Mặt khác cứ thực hiện trật tự thế giới của riêng mình. Tự xưng hoàng đế, coi mình như Trung Quốc ở phương Nam, bắt các nước ngoài Trung Hoa phải triều cống, sắc phong cho họ, nếu “bất trung” cũng cất quân hỏi tội. Tuy nhiên, như Alexander Woodside (1971) nhận xét, cái trật tự “Trung Quốc của phương Nam” này lỏng lẻo hơn “Trung Quốc thật sự” rất nhiều.

Phương thức đại chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc có sự giống và khác giữa hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, thời Lý-Trần, là kháng cự và không chối từ (“non-refus”, chữ dùng của Pierre Féray, được Trần Quốc Vượng (1991) tâm đắc). Giai đoạn sau, thời Lê-Nguyễn, là kháng cự và bắt chước. Sự khác nhau này là nguồn gốc gây tranh cãi về thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời Trung đại. Vĩnh Sính (1994) gọi thái độ ấy nói chung là “kháng cự và chấp nhận”, so sánh với thái độ của sĩ phu Nhật Bản với Trung Quốc là “kính trọng và chối từ”. Sự dịch chuyển thái độ của Việt Nam với Trung Quốc vào nửa sau thời Trung đại, theo Trần Quốc Vượng (1993), là do sự thắng thế của đạo Nho, khiến cho trong thời Lê-Nguyễn tình trạng tam giáo đồng nguyên bị thay bằng tình trạng độc tôn Nho giáo. Mục tiêu đại chiến lược của giới nho sĩ, tức là nghiệp cấp lãnh đạo Việt Nam trong thời Trung đại, như Trần Quốc Vượng (1988) chỉ ra, là “vô tốn, bất dị” (không kém và không khác) Trung Quốc.

Thời kỳ Pháp thuộc

Thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba kỳ, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp: Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ, Nam kỳ là thuộc địa. Với Hiệp ước Pháp-Thanh năm 1885, Trung Quốc từ bỏ bá quyền của mình và thừa nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp đảm nhiệm và trở thành một bộ phận của quan hệ Pháp-Trung.

Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà Trung Hoa phải từ bỏ mô hình thế giới truyền thống của mình và áp dụng mô hình thế giới kiểu Âu, một kiểu trật tự thế giới được công nhận ở châu Âu từ sau Hòa ước Westphalia (1648). Sự khác biệt lớn nhất giữa hai mô hình Trung Hoa và Tây phương là trật tự thế giới kiểu Tàu đòi hỏi phải có một trung tâm thiên hạ, đại diện là hoàng đế Trung Quốc với tư cách “con trời”, dưới ông là một hệ thống các “phiên bang”, “chư hầu”, “thuộc quốc”, tức là một sự phân biệt trên dưới rất rõ ràng; trong khi trật tự thế giới kiểu Westphalia không công nhận một trung tâm quyền lực tối thượng đứng trên các nước khác, cai quản cả thế giới dù chỉ trên danh nghĩa, các nước có chủ quyền tối cao trong vùng lãnh thổ của mình, và do đó là ngang nhau trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hành xử của các nước Tây phương phải chia làm hai lớp. Ở phần nghi lễ ngoại giao là mô hình Westphalia, còn trong thực tế là chính trị dựa trên sức mạnh (power politics). Chẳng hạn ở Việt Nam, Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh làm thuộc địa, có giao kèo đàng hoàng. Nghĩa là quyền chiếm đất của Pháp không phải tự nhiên mà có. Pháp đặt vòng bảo hộ lên Bắc và Trung kỳ, giữ nguyên ngai vàng Hoàng đế Đại Nam, chỉ đặt “công sứ” cai trị. Nghĩa là vẫn công nhận vua An Nam là chủ nước An Nam. Tuy rằng tất cả phải chịu sự điều động của Toàn quyền Đông Dương và chính phủ Pháp. Riêng đối với Trung Hoa, do nước này quá lớn, phương Tây bắt Trung Hoa phải tô nhượng cho họ một số khu vực đầu mối giao thương, phải thừa nhận cho họ có khu vực ảnh hưởng trên lãnh thổ mình. Chẳng hạn Pháp bắt nhà Thanh phải thừa nhận các tỉnh Lưỡng Quảng và Vân Nam nằm trong khu vực ảnh hưởng của Pháp.

Về phía Trung Quốc, một mặt chuyển theo mô hình thế giới kiểu Âu nhất là trong việc đòi hỏi quyền bình đẳng với các nước lớn Tây phương, mặt khác vẫn nuôi tham vọng dành lại bá quyền với các nước khi xưa đã chấp nhận trật tự thế giới kiểu Trung Quốc. Chính sách này chung cho mọi chính quyền ở Trung Quốc, từ nhà Thanh, Quốc dân đảng đến Cộng sản đảng.

Lý và thực trong thời hiện đại

Sau Thế Chiến II, cả thế giới cùng công nhận mô hình Westphalia. Mô hình đó là cơ sở ý thức hệ của Liên Hợp Quốc (cấm xâm lược, mỗi nước một phiếu), cũng là chỗ bám để các nước thuộc địa đòi hỏi quyền tự quyết của mình. Chính trên căn bản này mà Ấn Độ và Trung Quốc đã đề ra “năm nguyên tắc chung sống hòa bình” (tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chung sống hòa bình). Những nguyên tắc này cũng được Trung Quốc và Việt Nam coi như một căn bản trong quan hệ giữa hai quốc gia. Nói cách khác, mô hình thế giới truyền thống kiểu Trung Quốc mà các triều đình Việt Nam và Trung Hoa chia sẻ trước kia đã không còn hiệu lực pháp lý. Bên cạnh đó, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa còn có chung một mô hình thế giới nữa. Theo đó, thế giới chia làm hai phe, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, trong đó Việt Nam và Trung Quốc cùng thuộc phe xã hội chủ nghĩa, tức là như “anh em một nhà”.

Trong những năm 50 và 60, Việt Nam coi Liên Xô và Trung Quốc là hai nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, là “anh cả” và “anh hai”. Điều này có vẻ như Việt Nam trùng quan điểm với Trung Quốc (Liên Xô và Trung Quốc là anh cả và anh hai của phe xã hội chủ nghĩa), khác quan điểm với Liên Xô (Liên Xô một mình lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa). Nhưng thực chất có sự khác biệt quan trọng giữa ba quan điểm của ba nước. Trung Quốc vẫn công nhận phe xã hội chủ nghĩa lãnh đạo bởi Liên Xô, nhưng điểm mấu chốt mà Trung Quốc đòi hỏi là họ phải được độc lập, không bị phụ thuộc vào “anh cả”. Vì thế mà Mao muốn Liên Xô chia sẻ kỹ thuật làm bom nguyên tử với Trung Quốc. Nhưng Liên Xô muốn các nước xã hội chủ nghĩa phụ thuộc vào mình nên từ chối cho Trung Quốc công nghệ nguyên tử. Đây là nguyên nhân sâu xa và căn bản của sự “bất hòa” giữa hai nước trong những năm về sau. Về phía Việt Nam, để phục vụ mục tiêu hoàn toàn giải phóng miền Nam, Việt Nam cần cả hai cường quốc xã hội chủ nghĩa, còn chuyện họ có phụ thuộc vào nhau hay không thì không quan trọng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn Khrushchev cầm quyền ở Liên Xô, Hà Nội bất đồng với Mátxcơva trên hai điểm căn bản. Thứ nhất là chủ trương chung sống hòa bình giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Chính sách này làm Hà Nội bất mãn, vì họ không tin Mỹ cũng muốn chung sống hòa bình, bằng chứng của họ là việc Washington ngày càng can thiệp sâu vào miền Nam. Thêm nữa, chủ trương chung sống hòa bình đi ngược lại ý đồ của Hà Nội là quyết tâm giải phóng miền Nam, kể cả bằng vũ lực. Thứ hai là chủ trương xét lại các giáo điều của Lênin và Stalin. Điều này gây hoang mang, xáo trộn tư tưởng trong cán bộ, khi mà Hà Nội lại đang rất cần thống nhất và ổn định tư tưởng để tranh đấu ở miền Nam. Trong lúc đó thì Trung Quốc cũng chủ trương dùng đấu tranh vũ trang để chống Mỹ và giương ngọn cờ chống xét lại để tiếp tục bám giữ các giáo điều. Do đó, tại Hội nghị trung ương 9 khóa 3 Đảng Lao động Việt Nam, tháng 12/1963, cùng với một nghị quyết “giải phóng miền Nam” là một nghị quyết “chống chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô như một sự “ngả về” Trung Quốc. Tuy nhiên, như W. R. Smyser (1980: 80) nhận định, vấn đề đối với Hà Nội không phải là theo Trung Quốc hay ngả về Liên Xô hay giữ một vị trí cân bằng giữa hai bên. Chính sách của Hà Nội theo đuổi một mục tiêu không đổi: giành sự kiểm soát hoàn toàn miền Nam. Và Hà Nội sẽ nghiêng về bên nào ủng hộ mục tiêu đó.

Song chẳng bao lâu sau, vào cuối những năm 60, đầu những năm 70, quan điểm và đường lối đại chiến lược của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu rời xa nhau. Bất đồng sâu sắc với Liên Xô mà không lôi kéo được phe xã hội chủ nghĩa theo mình, Trung Quốc quay ra giương cao ngọn cờ lãnh đạo các nước đang phát triển. Cuối những năm 60, Trung Quốc đưa ra viễn tượng “nông thôn thế giới bao vây thành thị thế giới”, trong đó “nông thôn thế giới” do Trung Quốc lãnh đạo, còn “thành thị thế giới” bao gồm cả Mỹ lẫn Liên Xô. Cũng trong khoảng thời gian này, Liên Xô đưa ra mô hình “ba dòng thác cách mạng thế giới”. Ba dòng thác ấy bao gồm chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước đang phát triển. Theo thuyết của Liên Xô, nước này lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa và lực lượng xã hội chủ nghĩa là chủ lưu của ba dòng thác cách mạng. Như vậy, Liên Xô là lãnh đạo của lãnh đạo. Việt Nam không nhận được vai trò gì quan trọng trong viễn tượng thế giới của Trung Quốc, nhưng vẫn có thể có chỗ đứng danh giá trong mô hình của Liên Xô. Đó là một lý do vì sao Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhanh chóng tiếp thu lý luận “ba dòng thác cách mạng” của Suslov, đồng thời gắn vào đó hình ảnh Việt Nam là “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á” và “mũi nhọn của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới”.

Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian cuối những năm 60, đầu những năm 70, một loạt biến cố quan trọng đã xảy ra trong chính sách và mối quan hệ của các nước lớn liên quan đến Việt Nam. Năm 1966, căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên Xô bùng cháy thành xung đột biên giới. Năm 1967, Mỹ tổn thất nặng vì chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Johnson không dám ra tranh cử tổng thống. Năm 1968, Nixon trúng cử tổng thống Mỹ, chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger, một giáo sư sử học đặc biệt tâm đắc phương thức “cân bằng quyền lực” (balance of power), phương thức mà theo ông đã giúp châu Âu duy trì hòa bình trong suốt một thế kỷ (từ sau Chiến tranh Napoléon đến trước Thế chiến thứ 1), bí mật sang Trung Quốc thăm dò khả năng dùng nước này làm đối trọng với Liên Xô. Năm 1972, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon, hai nước ký Tuyên bố chung Thượng Hải, đặt nền móng cho liên minh chiến lược chống lại Liên Xô. Sự bắt tay của Trung Quốc với Mỹ càng làm Việt Nam xích lại gần Liên Xô. Như Eero Palmujoki (1997: 48) nhận xét, việc Hà Nội tiếp thu lý luận “ba dòng thác cách mạng” là để thể hiện chính sách thân Liên Xô, vì quan điểm “ba dòng thác cách mạng” mà Liên Xô đưa ra năm 1969 về cơ bản không khác gì quan điểm “ba lực lượng cách mạng thế giới” mà Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân đã thông qua vào năm 1960.

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, nước Việt Nam thống nhất, quan hệ Việt-Trung đi vào một bối cảnh mới. Sự nghiệp “giải phóng miền Nam” đã hoàn tất, Việt Nam phải chuyển sang chiến lược lớn mới. Mục tiêu của sự nghiệp mới là “xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước”, mà một nội dung chính là đưa Việt Nam tiến kịp các nước phát triển về kinh tế. Lãnh đạo Việt Nam lúc đó tin tưởng rằng với vị thế rất cao trên trường quốc tế sau khi đã chiến thắng siêu cường số 1 thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ được nguồn lực của cả hai phe, của Liên Xô (vì Việt Nam đã có thành tích thắng Mỹ) cũng như của Mỹ (vì Mỹ đã hứa viện trợ nhiều tỉ đô la bồi thường chiến tranh), để thực hiện mục tiêu này. Song tính toán của Việt Nam hoàn toàn dựa trên sự hiểu sai thế giới bên ngoài, nhất là hiểu sai các nước lớn có ảnh hưởng quyết định đến số phận của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc cũng như Liên Xô. Không như Việt Nam nghĩ, Liên Xô mạnh tay giúp Việt Nam phần nhiều vì Việt Nam đứng trên tuyến đầu chống kẻ thù chiến lược của Liên Xô chứ không hẳn vì Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội cho bản thân. Bởi vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác đã cắt giảm mạnh viện trợ cho Việt Nam, thay vì tiếp tục cho không để Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khác với tin tưởng của Việt Nam, Mỹ chỉ giận chứ không sợ Việt Nam sau khi thua cuộc chiến. Do đó, Washington nhất định không chấp nhận lấy việc Mỹ viện trợ (Hà Nội đòi 3,2 tỉ đô la) làm điều kiện để bình thường hóa quan hệ. Đối với Trung Quốc, Việt Nam cho rằng cái uy chiến thắng siêu cường Mỹ sẽ khiến người láng giềng phương bắc phải nể. Nhưng sự mạnh lên của Việt Nam lại khiến Bắc Kinh coi Hà Nội như một đối thủ cần ngăn chặn. Do đó, Trung Quốc đã kết liên chiến lược với Campuchia để gây sức ép với Hà Nội từ phía nam.

Năm 1978, Trung Quốc đi vào một khúc quanh lịch sử. Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền – lần này không còn Mao Trạch Đông ngồi trên nữa vì ông đã chết từ 1976 – phát động một đại chiến lược mới. Vẫn hoài bão cũ: đưa Trung Quốc trở thành đại cường quốc thế giới, nhưng nhiệm vụ mới: “4 hiện đại hóa”, và phương thức thực hiện mới: tranh thủ sự cộng tác của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc từ bỏ quan điểm đấu tranh giai cấp trong quan hệ quốc tế, phấn đấu làm đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Mô hình “3 thế giới” trong đó Trung Quốc có sứ mệnh lãnh đạo “thế giới thứ ba” (các nước đang phát triển), liên kết với “thế giới thứ hai” (các nước công nghiệp phát triển nhưng không phải siêu cường), để lật đổ sự thống trị của “thế giới thứ nhất” (gồm hai siêu cường Mỹ và Liên Xô), không còn giá trị. Thay vào đó là lợi ích dân tộc thuần túy và tư duy thực dụng: Trung Quốc phải tranh thủ được nước mạnh nhất thế giới về năng lực kinh tế, khoa học và quân sự, bất kể nước đó “màu gì” (Đặng: “Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”).

Các sự kiện có tính bước ngoặt trong hai năm 1977-78: Sự đổ vỡ trong quan hệ Việt-Trung, Mỹ cự tuyệt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Việt Nam gia nhập khối kinh tế của Liên Xô (Hội đồng Tương trợ Kinh tế) và ký liên minh phòng thủ (Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác) với Liên Xô và các nước trong khối Vácsava, Campuchia gây hấn biên giới tây nam Việt Nam và Việt Nam đưa quân vào thay đổi chính phủ của Campuchia, diễn ra như là kết quả của sự đan xen đại chiến lược giữa các nước liên hệ, tiếp theo một chuỗi các sự kiện đã khởi sự từ cuối những năm 60, đầu những năm 70. Cuối năm 1978, Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, đầu năm 1979 đưa quân đánh Việt Nam trên toàn tuyến biến giới phía bắc, Việt Nam bị cả thế giới ngoài các nước thân Liên Xô tẩy chay. Việt Nam buộc phải chuyển sang một chiến lược lớn khác.

Liệu lịch sử có thể khác đi được không? Chẳng hạn như nếu sau năm 1975, Việt Nam không giải tán Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hoặc thực hiện “một nước, hai chế độ”, không cải tạo công thương ở miền Nam, không nghiêng về một nước lớn nào mà tìm cách cân bằng ảnh hưởng của cả ba cường quốc Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, cố gắng tranh thủ nguồn lực của tư bản trong nước cũng như quốc tế, giữ thể diện cho Mỹ (như cha ông đã từng làm với Trung Quốc sau khi thắng họ) để bình thường hóa quan hệ và tranh thủ nguồn lực của Mỹ. Như Trần Quang Cơ (2001/2003) nhận định, trong các năm 1977-78, “ta đã bỏ lỡ mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước sau bao năm chiến tranh, lỡ cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực” (tr. 6). Theo ông, Việt Nam đã có 4 sai lầm lớn là 1) không duy trì quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Liên Xô, 2) quá cứng nhắc bắt Mỹ phải viện trợ, bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1977, 3) không gia nhập khối ASEAN từ 1976 khi cả 6 nước này đều muốn Việt Nam tham gia, 4) dính líu quá sâu và quá lâu vào Campuchia (tr. 7). Liệu những “sai lầm” này có phải là tất yếu không và nếu chúng không xảy ra thì tình hình có khác đi cơ bản hay không? Khó có thể trả lời những chữ “nếu” khi lịch sử đã là lịch sử. Song có thể thấy để chuyển lịch sử đi theo hướng khác đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Trước hết, những “sai lầm” nói trên dường như là kết quả của một sự “cộng hưởng chiến lược” làm cho cơ hội khác đi của lịch sử càng ngày càng thu hẹp. Sự cự tuyệt và thái độ thù địch của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975 càng làm cho Hà Nội thấy không cần thiết phải để Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp tục tồn tại. Ngược lại, việc Việt Nam khăng khăng bắt Mỹ phải viện trợ làm điều kiện cho bình thường hóa đã góp phần thu hẹp cơ hội này, khiến Ngoại trưởng Cyrus Vance không còn con bài nào để chơi, và khi mà Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski đã bắt tay được với Trung Quốc thì sau đó Việt Nam đã trở thành một thứ “con tin” trong quan hệ Mỹ-Trung ( bạn đọc có thể xem Chanda (1986) để tìm hiểu kỹ hơn giai đoạn lịch sử bước ngoặt 1975-78). Thứ hai, nếu Việt Nam đi tìm một vị trí cân bằng giữa ba nước lớn, nhiều khả năng là các nước sẽ áp dụng cho Việt Nam một công thức như kiểu Nam Tư. Song, sau một chiến thắng vĩ đại như năm 1975, hình ảnh một “Nam Tư phương Đông” khó lòng hấp dẫn bằng hình ảnh ”tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á” và “mũi nhọn phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới”.

Các sự kiện năm 1978-79 đã xô đẩy Việt Nam vào một đại chiến lược mới. Phải can dự vào Campuchia, bị chiến tranh với Trung Quốc và bị phần lớn thế giới cô lập, Việt Nam buộc phải tìm kiếm cho mình một bảo đảm an ninh bằng cách lập vành đai an toàn ở Đông Dương, kết giao chặt chẽ và toàn diện với Liên Xô. Bởi thế, trong những năm 1980, quan hệ với Liên Xô trở thành “hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại” của Việt Nam, quan hệ với Lào và Campuchia trở thành “mối quan hệ đặc biệt”, thành “liên minh chiến lược ba nước Đông Dương”. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam liên minh với một nước lớn khác để chống lại Trung Quốc. Cũng vậy, khu vực ảnh hưởng của Việt Nam ở Đông Dương trong giai đoạn này rộng hơn bất cứ thời kỳ nào khác trong lịch sử.

Các diễn biến của quan hệ Việt-Trung trong thời hiện đại cũng phơi bày khoảng cách lớn giữa mặt “hình thức” và mặt “thực chất” của quan hệ giữa hai nước. Về hình thức, hai nước đều thừa nhận trật tự thế giới kiểu Westphalia (mỗi quốc gia có chủ quyền như nhau) và kiểu Zhdanov (thế giới gồm hai phe: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa). Nhưng thực chất, hành xử của Việt-Trung lại theo những lôgíc hoàn toàn khác. Không phải “Westphalia” mà là “thiên triều”: Trung Quốc đánh Việt Nam mà không cần bị tấn công trước để “dạy cho Việt Nam một bài học”. (Mỹ 1964 theo “Westphalia”: phải có sự kiện vịnh Bắc Bộ mới có cớ đưa quân vào Việt Nam). Không phải “phe xã hội chủ nghĩa một bên, phe tư bản chủ nghĩa một bên” mà là “chính trị thực tế” (Realpolitik – chính sách đối ngoại dựa trên thực tế tranh giành quyền lực, không dựa trên tiêu chuẩn đạo đức và ý thức hệ) và “cân bằng quyền lực”: Campuchia (xã hội chủ nghĩa) đánh Việt Nam (xã hội chủ nghĩa), Việt Nam đánh Campuchia, Trung Quốc (xã hội chủ nghĩa) đánh Việt Nam, Mỹ (tư bản chủ nghĩa) liên minh với Trung Quốc, Thái Lan (tư bản chủ nghĩa) làm hậu phương cho Khmer Đỏ.

Xung đột nhỏ lồng trong xung đột lớn, tất cả chịu sự chi phối của quan hệ giữa các nước lớn. Quan hệ Việt-Trung rơi vào một bối cảnh mới khi chiến lược của một nước lớn trong tam giác Mỹ-Trung-Xô thay đổi. Điều này đã xảy ra sau khi Nixon lên cầm quyền ở Mỹ (1968), khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền ở Trung Quốc (1978), và một lần nữa xảy ra sau khi Gorbachov lên cầm quyền ở Liên Xô (1985). Gorbachev thực hiện một phương thức đại chiến lược mới. Vẫn nhắm mục tiêu giữ vững vị trí siêu cường của Liên Xô nhưng bằng cách cải tổ kinh tế (perestroika), minh bạch hóa nền chính trị (glasnost), hòa dịu với phương Tây và Trung Quốc. Ông định thông qua chính sách đối ngoại mới để 1) giảm áp lực đe dọa quân sự từ Mỹ và Trung Quốc, 2) nhận được vốn và công nghệ của phương Tây, nhằm vực dậy nền kinh tế kém hiệu năng của Liên Xô. Không rõ có phải do đánh giá đúng ý đồ của đối thủ hay không mà Trung Quốc đặt ba điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ Xô-Trung là Liên Xô phải rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt ủng hộ Việt Nam can thiệp vào Campuchia, giảm quân dọc biên giới Xô-Trung. Sự cứng rắn của Đặng Tiểu Bình cuối cùng đã buộc Gorbachov nhượng bộ cả ba điều kiện. Lợi dụng xu hướng Liên Xô bỏ rơi Việt Nam để tập trung vào các vấn nạn trong nước, tạo ra khoảng trống quyền lực ở khu vực Biển Đông, đầu năm 1988, Trung Quốc tiến xuống cắm chốt trên quần đảo Trường Sa, nơi trước nay họ chưa hiện diện thường xuyên về quân sự. Trong chiến dịch này, Trung Quốc chọn mỗi vùng một vị trí chiến lược để đổ bộ: đá Chữ Thập ở rìa phía tây, đá Subi ở mỏm phía bắc, đá Châu Viên ở dải phía nam, và ở cụm trung tâm là các đá Gaven, Kennan và Gạc Ma. Tại Gạc Ma đã xảy ra đụng độ với Việt Nam sáng ngày 14/3/1988, kết quả Trung Quốc chiếm được đảo này và Việt Nam mất ba tàu chiến cùng hơn 70 thủy thủ.

Hai đại chiến lược, hai thế giới quan

Sự thay đổi đại chiến lược của Liên Xô cộng với tình hình bản thân của Việt Nam (kinh tế suy sụp, chiến tranh ở Campuchia trở thành gánh nặng) cũng buộc Việt Nam phải tìm hướng đi mới. Tháng 5/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 13 điều chỉnh chiến lược từ “hợp tác toàn diện với Liên Xô” sang “đa dạng hóa, đa phương hóa”. Nghị quyết này là tác phẩm của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, thể hiện bước ngoặt quan trọng trong tư duy đối ngoại cũng như đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách quốc tế của Việt Nam. Giống như Nghị quyết 9 năm 1963, Nghị quyết 13 không được đưa ra công khai, chỉ từ nửa sau thập niên 90 mới được nhắc đến như văn kiện mở màn chính sách đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa” mà Đại hội đảng 7 (1991) đã thông qua. Cơ sở lý luận của Nghị quyết 13 là một viễn tượng thế giới hoàn toàn khác với những gì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn mường tượng từ năm 1948, thậm chí từ 1930. Trong tinh thần “đổi mới tư duy”, kể cả tư duy đối ngoại, Phan Doãn Nam, cánh tay phải của Nguyễn Cơ Thạch về lý luận, viết bài “Một vài suy nghĩ về đổi mới tư duy đối ngoại” đăng trên Tạp chí Cộng sảntháng 2/1988 như một bước chuẩn bị cho Nghị quyết 13. Bài báo chỉ trích mô hình “hai phe, bốn mâu thuẫn”, nền tảng thế giới quan của chính sách đối ngoại Việt Nam từ 1948, là giáo điều, không đúng với thực tế. Thay vào đó, bài báo đề xuất coi thế giới ngày nay đầy dẫy các mâu thuẫn phức tạp với đặc điểm nổi bật là sự “tùy thuộc lẫn nhau” giữa các quốc gia bất kể chế độ chính trị-xã hội, một quan điểm vay mượn từ “tư duy mới” của Liên Xô. Theo bài báo, chính sự tùy thuộc lẫn nhau đã làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản và thay đổi mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc. Không nói ra, nhưng tư tưởng này đã ngầm bác bỏ quan điểm “chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” của Lênin (chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn phát triển tột cùng của nó sẽ dẫn đến hình thức tư bản độc quyền, dẫn đến chủ nghĩa đế quốc, là nguồn gốc của chiến tranh thế giới, cách mạng vô sản là con đường duy nhất bảo vệ hòa bình thế giới), học thuyết nền tảng cho chính sách đối ngoại của các nước xã hội chủ nghĩa từ xưa đến nay.

Mặc dù Nghị quyết 13 với đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa” được thông qua nhưng cơ sở lý luận của nó không được hoàn toàn chấp nhận. Lý do là trong những vấn đề lý luận có tính nền tảng, lãnh đạo Việt Nam quyết định trên cơ sở hoàn toàn nhất trí. Chỉ cần “một số đồng chí” không thông thì vẫn phải gác lại bàn sau (Porter 1990: 13). Kết quả là “tư duy mới” và “tư duy cũ” cùng nhau tồn tại song song như một kiểu “tam giáo đồng nguyên” (so sánh của Vũ Quang Việt).

Một lý do nữa cho sự củng cố trở lại của thế giới quan “hai phe, bốn mâu thuẫn” là ảnh hưởng của các sự kiện ở Đông Âu năm 1989 vào Việt Nam. Sự tan rã của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu đã dẫn đến tranh cãi gay gắt trong giới lãnh đạo Việt Nam. Một bên, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do “mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc hòng tiêu diệt chủ nghĩa xã hội”. Bên kia, trong đó có Nguyễn Cơ Thạch, cho rằng nguồn gốc sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu là sự quản lý yếu kém và tư tưởng giáo điều gắn với một mô hình chủ nghĩa xã hội sai lầm. Phát biểu tại Hội nghị trung ương 7 khóa 6 (tháng 8/1989), Nguyễn Văn Linh nói sự bác bỏ quan điểm “hai phe, bốn mâu thuẫn” đã khiến một số người lầm tưởng rằng chủ nghĩa đế quốc đã thay đổi bản chất. Câu nói ám chỉ Nguyễn Cơ Thạch và đồng chí. Mâu thuẫn về thế giới quan giữa hai bên được Nguyễn Văn Linh chốt lại: “Chừng nào chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại, chừng nào chủ nghĩa xã hội chưa thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới, thì chừng đó học thuyết của chủ nghĩa Lênin vẫn giữ nguyên giá trị của nó” (“Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Bế mạc Hội nghị 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng”, Tạp chí Cộng sản, 9/1989, tr. 6). Tuy nhiên, không bên nào áp đảo được bên nào nên tại Hội nghị trung ương 8, tháng 11/1989, giải pháp “hòa cả làng” được áp dụng. Nghị quyết của Hội nghị một mặt chỉ ra nguyên nhân của sự sụp đổ chế độ ở Đông Âu là “những sai lầm chủ quan, duy ý chí” của lãnh đạo các nước đó, mặt khác khẳng định “chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng những khó khăn bên trong của chủ nghĩa xã hội để thực hiện các mưu đồ chống cộng của chúng”.

Hai năm 1988-89 là thời gian bản lề cho chính sách đối ngoại của Việt Nam suốt những năm sau. Thời gian này hình thành thế “hai chân” trong tư duy đối ngoại của Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời hậu Chiến tranh Lạnh dựa trên hai đại chiến lược khác nhau. Sở dĩ là hai mà không phải là một vì chúng mang hai ý đồ khác nhau và dựa trên hai quan điểm trái ngược nhau về thế giới.

Chiến lược lớn thứ nhất dựa trên thế giới quan Mác-Lê, nhìn thế giới qua lăng kính “2 phe, 4 mâu thuẫn”, coi mâu thuẫn giữa “chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc/tư bản” là mâu thuẫn cơ bản nhất, đấu tranh giai cấp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc/tư bản là động lực cơ bản cho vận động chính trị toàn cầu. Bước vào thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô đặt ra cho Việt Nam một yêu cầu mới. Từ góc nhìn của thế giới quan Mác-Lê, mục tiêu lớn của Việt Nam được xác định là phải bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới, Việt Nam phải coi Trung Quốc là đồng minh chiến lược, Mỹ là kẻ thù chiến lược, phải đặt trọng điểm an ninh quốc gia vào chống “diễn biến hòa bình”. Chiến lược lớn này lấy “chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội” làm mục tiêu lâu dài và cơ bản. (Xem thêm các chương 9, 10 và 14 trong hồi ký của Trần Quang Cơ (2001/2003) về quan điểm chiến lược theo hướng này của Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh).

Chiến lược lớn thứ hai dựa trên thế giới quan mới được hình thành trong thời kỳ “đổi mới tư duy” cuối những năm 80. Thế giới quan này gồm hai chiều: kinh tế và chính trị. Về kinh tế, nó coi thế giới như một thị trường thống nhất, liên thuộc vào nhau, vận động theo xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa. Các nước muốn sống còn không có cách nào khác là phải tham gia vào “phân công lao động quốc tế mới”, phải hội nhập vào nền kinh tế thế giới và hội nhập khu vực. Về chính trị, mâu thuẫn cơ bản được coi là mâu thuẫn giữa các quốc gia-dân tộc, cục diện thế giới về cơ bản được xem là chịu sự chi phối của mối tương quan giữa các “nước lớn”. Chiến lược của Việt Nam trong tình hình mới (các nước lớn hòa hoãn, chuyển sang chạy đua kinh tế, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập khu vực gia tăng) là phải “hội nhập” mạnh mẽ vào thế giới và khu vực, đặc biệt tranh thủ nguồn lực của các trung tâm tài chính-công nghệ thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu), thực hiện ngoại giao đa phương, tạo thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Trọng điểm an ninh quốc gia, theo chiến lược lớn thứ hai, là chống “tụt hậu”. Chiến lược lớn này lấy “phát triển, hiện đại hóa” làm mục tiêu lâu dài và cơ bản. (Xem thêm cuốn sách của Nguyễn Cơ Thạch (1998) và thư gửi Bộ chính trị của Võ Văn Kiệt (1995) về quan điểm chiến lược theo hướng này).

Một câu hỏi đặt ra là tại sao ở Trung Quốc các mục tiêu phát triển, hiện đại hóa, cũng như chống đế quốc (TQ dùng từ “bá quyền”), bảo vệ chủ nghĩa xã hội cùng nằm trong một đại chiến lược mà ở Việt Nam lại là hai? Mấu chốt nằm ở chỗ Trung Quốc không chống đế quốc theo định nghĩa của Lênin (đế quốc đồng nghĩa với tư bản) mà chống bất cứ nước nào có mưu đồ bá quyền trên thế giới cũng như ở châu Á (Trung Quốc từng gọi Liên Xô là “đế quốc xã hội”), và Trung Quốc chỉ bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc chứ không bảo vệ chủ nghĩa xã hội trên thế giới như Việt Nam (lời Đại sứ Trung Quốc nói với Vụ trưởng Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27/7/1990, xem hồi ký Trần Quang Cơ, tr. 19). Như vậy tuy nhìn bề ngoài thì mục tiêu của Trung Quốc và Việt Nam có vẻ không khác nhau là mấy nhưng về nội dung thì khác nhau cơ bản vì dựa trên hai thế giới quan khác hẳn nhau. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã chỉ ra điều này tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 19/6/1990: “Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích chung của chủ nghĩa xã hội. Họ khác ta. Dù ta có muốn hợp tác họ cũng không chịu đâu. Không nên ảo tưởng” (Trần Quang Cơ 2003: 43). Điều có vẻ nghịch lý là chiến lược “phát triển, hiện đại hóa” (không chủ trương liên minh chiến lược với Trung Quốc) dựa trên một thế giới quan giống với của Trung Quốc, trong khi chiến lược “chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội” (chủ trương liên minh chiến lược với Trung Quốc) lại có một thế giới quan khác hẳn của Trung Quốc.

Trong những năm 90, một sự “phân công lao động” giữa hai chiến lược lớn đối ngoại đã được dàn xếp. Sự phân công này thể hiện rõ trong cơ cấu và cơ chế lãnh đạo sau Đại hội Đảng 7. Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đại diện chiến lược “chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội”, phụ trách khối ngoại giao-quốc phòng-an ninh. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đại diện cho chiến lược “phát triển, hiện đại hóa”, phụ trách mảng kinh tế. Tổng bí thư Đỗ Mười đóng vai trò dàn xếp giữa hai chiến lược, là người quyết định cuối cùng.

Hai nhà lãnh đạo cao cấp thúc đẩy đường lối “phát triển” và đại diện cho thế giới quan và quan điểm chiến lược này là Nguyễn Cơ Thạch (Ngoại trưởng 1980-1991) và Võ Văn Kiệt (Thủ tướng 1991-1996). Những người kiên quyết giữ vững thế giới quan Mác-Lê và chủ trương đường lối chiến lược tương ứng là Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư 1986-1991), Lê Đức Anh (Chủ tịch nước 1991-1996), Đào Duy Tùng (Thường trực Ban Bí thư 1991-1996), Nguyễn Đức Bình (lý thuyết gia trưởng của Đảng 1991-1996), Lê Khả Phiêu (Tổng bí thư 1997-2001). Như vậy, mặc dù chính sách ngoại giao “đa dạng hóa, đa phương hóa” được các kỳ Đại hội Đảng liên tục khẳng định tính chính thống, quan điểm “hai phe, bốn mâu thuẫn” vẫn ở thế thượng phong. Thế thượng phong của đại chiến lược “chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội” có phần do cú sốc tâm lý bởi các “sự kiện định hướng” của các năm 1989-90-91. Đó là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, các đảng “bạn” mất chính quyền ở hàng loạt nước, sự tan rã của Liên Xô.

Suy nghĩ thông thường cho rằng các sự kiện này khiến cho Việt Nam mất đi nguồn viện trợ lớn, thị trường truyền thống và chỗ dựa chính về ngoại giao. Thật ra, các sự kiện Đông Âu năm 1989-90 không có mấy ảnh hưởng “khách quan” lên nền kinh tế Việt Nam mà phần nhiều là ảnh hưởng “chủ quan” lên tâm lý người lãnh đạo. Số liệu thống kê cho thấy năm 1989, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu dầu thô và gạo ở mức độ đáng kể. Năm 1989 xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, trong khi chỉ 3 năm trước (1986) lượng gạo xuất khẩu là 0,158 triệu tấn. Cũng ngay trong năm 1989, giá trị xuất khẩu sang khu vực ngoại tệ chuyển đổi (các nước tư bản) tăng vọt lên 1,139 tỉ đô la từ con số 350 triệu đô la của năm 1988. Trong khi năm 1988, xuất khẩu sang khu vực ngoại tệ không chuyển đổi (các nước xã hội chủ nghĩa) còn chiếm 55,6 % tổng giá trị xuất khẩu thì năm 1989, xuất khẩu sang các nước tư bản đã chiếm 58,5% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 1991, tuy xuất khẩu sang thị trường các nước xã hội chủ nghĩa sụt hẳn xuống còn 80 triệu rúp từ con số 1,1 tỉ rúp của năm trước, nhưng xuất khẩu sang các nước tư bản cũng tăng mạnh lên gần 1,9 tỉ đô la, khiến tổng giá trị xuất khẩu năm 1991 tuy thấp hơn năm 1990 nhưng vẫn cao hơn năm 1989 (Các số liệu trên theo Tổng cục Thống kê, Số liệu thống kê Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1986-1991. Hà Nội: Nxb Thống kê, 1992, tr. 93-94). Do sự chuyển hướng chiến lược trong các năm 1987-88 cho nên ngay trong thời gian xảy ra các sự biến ở Đông Âu và Liên Xô (1989-91), Việt Nam đã tạo được xu thế hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực, tạo được chỗ bám vào thị trường thế giới. Vốn đầu tư nước ngoài (đăng ký) tăng từ 371 triệu đô la năm 1988 lên 582 triệu năm 1989, 839 triệu năm 1990 và 1,322 tỉ năm 1991. Xuất khẩu sang các nước tư bản tăng từ 448 triệu đô la năm 1988 lên 1,138 tỉ năm 1989, 1,352 tỉ năm 1990, và 2,010 tỉ năm 1991. Nhập khẩu từ các nước tư bản cũng tăng từ 804 triệu đô la năm 1988 lên 879 triệu năm 1989, 1,372 tỉ năm 1990, và 2,049 tỉ năm 1991. Như vậy ngay trong năm 1991, tức là trước khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam đã thu được ở thị trường các nước tư bản khoảng 2 tỉ đô la tiền xuất khẩu, gấp đôi số tiền thu được từ bán hàng sang các nước xã hội chủ nghĩa vào thời điểm đỉnh cao trước đây (1,1 tỉ rúp năm 1990). Mặt khác, nếu viện trợ kinh tế và vay nợ từ các nước xã hội chủ nghĩa (ước khoảng 1-2 tỉ đô la một năm trong những năm 80) mất đi thì Việt Nam lại được bù đắp một khoản tương ứng từ đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng như các khoản viện trợ và cho vay từ các nước tư bản. Năm 1991 Việt Nam nhận được 1,079 tỉ đô la cho vay và 526 triệu viện trợ từ nước ngoài. Ngoài ra còn có hơn 1,3 tỉ đô la đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cam kết. (Các số liệu trên theo Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 1995. Hà Nội: Nxb Thống kê, 1996, tr. 51, 64, 253; các số liệu thống kê chỉ có tính tương đối, lưu ý sự khác nhau giữa TCTK 1992 và TCTK 1996 về giá trị xuất khẩu sang khu vực ngoại tệ chuyển đổi năm 1991). Tóm lại, không thể nói sự tan rã của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa đã tác hại nặng nề lên nền kinh tế Việt Nam.

Ngược lại, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước liên tiếp đã gây phản ứng tâm lý mạnh trong đông đảo cán bộ lãnh đạo Việt Nam. Sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa gây ra hụt hẫng nghiêm trọng trong hình dung về thế giới của họ. Nhìn thế giới qua lăng kính “2 phe, 4 mâu thuẫn” nhiều người trong số họ lo sợ rằng sau Đông Âu sẽ đến lượt Việt Nam, cảm nhận mối nguy hiểm lớn nhất xuất phát từ Mỹ, coi liên minh giữa các chế độ xã hội chủ nghĩa còn lại là yêu cầu khách quan của tình thế. Yêu cầu chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đối với họ trở nên cấp bách hơn yêu cầu phát triển, hiện đại hóa. Hai yêu cầu này tự chúng không mâu thuẫn với nhau. Song đặt trong hoàn cảnh thực tế, muốn phát triển, hiện đại hóa thì phải cộng tác với các trung tâm kinh tế và khoa học hiện đều do các nước tư bản phương Tây nắm, yêu cầu chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội trở nên mâu thuẫn với yêu cầu phát triển, hiện đại hóa.

Do người lãnh đạo cao nhất trong thời kỳ 1990-91 nhiệt tâm theo đuổi mục tiêu đại chiến lược bảo vệ chủ nghĩa xã hội trong cuộc đấu tranh toàn cầu với chủ nghĩa tư bản/đế quốc, mặc dù Bộ Chính trị bất đồng về đánh giá tình hình quốc tế cũng như phương hướng đối ngoại, động cơ đại chiến lược này đã chi phối Việt Nam trong quá trình “bình thường hóa” quan hệ với Trung Quốc cũng như trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 10/4/1990: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa cùng chống âm mưu đế quốc xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, phải cùng chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan hệ giữa hai nước, các vấn đề khác giải quyết sau … Một Campuchia thân thiện với Trung Quốc, thân thiện với Việt Nam là tốt nhất. Trên cơ sở điểm đồng này mà giải quyết vấn đề Campuchia có lợi cho Campuchia … Không để Liên Hợp Quốc nhúng tay vào vì Liên Hợp Quốc là Mỹ, Thái Lan là Mỹ” (Trần Quang Cơ 2003: 33).

Cùng một chủ trương bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nhưng mỗi đại chiến lược có một động cơ khác nhau. Chiến lược lớn thứ nhất xuất phát từ động cơ “đoàn kết với Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc”. Chiến lược lớn thứ hai xuất phát từ động cơ “đa phương hóa quan hệ, phá thế bị bao vây”. Quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong các năm 1990-91, về lý thì là “thực hiện Nghị quyết 13 Bộ Chính trị” nhưng thực chất không phải nhằm đa phương hóa, tạo thế cân bằng giữa các nước lớn, như tinh thần của những người dự thảo Nghị quyết 13, mà động cơ thực sự, như Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh giải thích cho lãnh đạo Campuchia về cuộc gặp cấp cao Việt-Trung ở Thành Đô, là: ”Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xóa cộng sản. Nó đang xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xóa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc” (Trần Quang Cơ 2003: 51).

Mặc dù Trung Quốc nhiều lần nói thẳng với Việt Nam là họ không chấp nhận “giải pháp đỏ” ở Campuchia cũng như không thể bắt tay với Việt Nam theo kiểu hai nước xã hội chủ nghĩa liên minh lại chống Mỹ, và mặc dù trong Bộ Chính trị cũng đã có nhiều ý kiến rằng đại chiến lược của Trung Quốc là tranh thủ Mỹ và phương Tây để thực hiện “bốn hiện đại hóa”, do đó không thể liên minh chiến lược với Việt Nam, song các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam vẫn hy vọng một ngày kia Trung Quốc sẽ “hiểu ra” mà bắt tay với Việt Nam chống Mỹ (Trần Quang Cơ 2001/2003). Trong cuộc gặp cấp cao Việt-Trung 5-10/11/1991 hoàn tất việc bình thường hóa quan hệ, Việt Nam lại đề nghị Trung Quốc “đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc”, song Trung Quốc đã khẳng định hai bên là “đồng chí, không là đồng minh” (Thayer 1994). Cho đến tận cuối những năm 1990, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vẫn tiếp tục đề nghị Trung Quốc kết đồng minh bảo vệ chủ nghĩa xã hội và một lần nữa lại bị bác bỏ (N.S.P., “Thư Hà Nội”, Diễn Đàn, số 104, tháng 2/2001).

Vậy tại sao vẫn kéo dài tình trạng “lưỡng giáo đồng nguyên” mà không hợp được hai mục tiêu vào làm một, chẳng hạn như mô hình Trung Quốc? Có thể do nhiều nguyên nhân tác động rất phức tạp với nhau. Cũng có thể vì những lý do rất giản dị như thói quen, nếp nghĩ, niềm tin của một số người rất có thế lực v.v. Bài viết này chỉ nêu một giả thuyết có tính gợi ý. Thứ nhất, như trên đã phân tích, mục tiêu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và chống bá quyền của Trung Quốc khác mục tiêu bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc của Việt Nam về nội dung nên không thể lấy Trung Quốc làm gương. Mặt khác nếu hai đại chiến lược khác nhau cả về mục tiêu phấn đấu lẫn thế giới quan làm nền tảng thì không còn điểm chung nào để có thể hòa vào làm một. Thứ hai, vì cả hai đại chiến lược của Việt Nam sau Chiến tranh Lạnh đều không tới, đều bất cập, nhưng mỗi cái cũng lại có điểm mạnh riêng, và điểm mạnh của chiến lược này lại là điểm yếu của chiến lược kia, cho nên cả hai đứng riêng bổ xung cho nhau thì dễ mà cái này đồng hóa cái kia thì khó, và cũng chưa tìm ra được cái nào khác thay thế, cho nên cứ nhùng nhằng “lưỡng giáo đồng nguyên”.

Đại chiến lược chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội nhấn mạnh Việt-Trung cùng phe chống Mỹ, cũng như khi xưa, cả hai cùng là “văn minh” chống lại “man di”, thì nay, cùng “xã hội chủ nghĩa” (hiểu: tiến bộ) chống “tư bản đế quốc” (hiểu: phản động). Như vậy là hợp với yêu cầu của bài toán chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải liên minh với cường quốc xã hội chủ nghĩa lớn nhất. Nhưng không gặp thời cơ vì muộn nhất là từ 1978, Trung Quốc đã không còn coi Việt Nam cùng phe, đồng thời luôn đặt yêu cầu hợp tác với Mỹ lên trên yêu cầu chống Mỹ. Vì thế điểm mấu chốt của chiến lược này không thực thi được.

Đại chiến lược phát triển, hiện đại hóa nhấn mạnh hội nhập, hợp tác với phương Tây, giữ thế cân bằng giữa các cường quốc. Như vậy là hợp với yêu cầu của bài toán phát triển, hiện đại hóa đòi hỏi phải có hòa bình, phải tranh thủ được các nước phát triển nhất. Nhìn chung, chiến lược này là hợp thời vì nó phù hợp với xu hướng hội nhập khu vực và việc tạo thế cân bằng giữa các cường quốc (chủ yếu là giữa Trung Quốc và Mỹ) có thể coi là khả thi trong điều kiện quan hệ các nước lớn đang ở giai đoạn hòa hoãn. Vậy thì điểm yếu của chiến lược “hiện đại hóa” và cũng là điểm mạnh của chiến lược “chống đế quốc” nằm ở đâu? Ở đây thử nêu giả thuyết là chiến lược “bảo vệ chủ nghĩa xã hội” có thể đáp ứng tốt hơn chiến lược “hiện đại hóa” về hai nhu cầu: hãnh diện và an toàn.

Chiến lược “hiện đại hóa” nhận Việt Nam là nước nhỏ, chịu sự chi phối của quan hệ nước lớn, không đóng vai trò gì quan trọng trên trường quốc tế. Nó đề ra mục tiêu phấn đấu là “hóa rồng” như các nước công nghiệp hóa ở Đông Á nhưng không nêu cụ thể hơn. Hóa thành rồng gì? Rồng đầu đàn hay rồng cuối đàn, rồng to hay rồng nhỏ? Nếu chỉ hóa rồng chung chung thì đó mới chỉ là một nửa mong ước của người Việt Nam. Tâm lý Việt Nam thích “ta phải nhất”, không thích làm kẻ “thường thường bậc trung”, càng không thích làm kẻ “vô danh tốt tiểu”. Tuy vẫn quen “luồn lách” nhưng vẫn thích được tiếng là “mũi nhọn”, “tiền đồn”.

Mặt khác, nếu Việt Nam muốn hóa rồng thì phải chọn lựa: 1) hoặc là phải bỏ hệ ý thức vô sản để có thể theo mô hình Đông Á, 2) hoặc vẫn giữ hệ ý thức đó và một mình làm chuyện vô tiền khoáng hậu, 3) hoặc theo sau Trung Quốc, họ đi đâu mình theo đó. Quá trình đổi mới của Việt Nam đã không theo lựa chọn 1. Hiện còn quá sớm để kết luận liệu Việt Nam theo hướng 2 hay hướng 3. Vì nếu đi theo Trung Quốc, Việt Nam rồi cũng sẽ phải từ bỏ ý thức hệ vô sản, phải chấp nhận tư sản, cả trong Hiến pháp lẫn trong Đảng. Có thể Việt Nam còn đang chờ xem, nếu Trung Quốc thành công thì sẽ làm theo. Dù thế nào, việc không chọn hướng 1 mà chọn hướng 2 hoặc 3 có nghĩa rằng nhu cầu an toàn là rất lớn đối với Việt Nam. Thậm chí, trong mắt một số người, hướng thứ ba còn cho sự an toàn kép: cứ để Trung Quốc nghĩ hộ và làm trước, chờ họ thành công mình sẽ làm theo, thêm nữa, bắt chước Trung Quốc sẽ làm Trung Quốc vừa lòng (Điều sau này không hẳn đã đúng). Tuy theo hướng này cũng có rủi ro. Như Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có lần nói: “Nếu Trung Quốc thành công, chúng tôi sẽ thành công. Nếu Trung Quốc thất bại, chúng tôi sẽ thất bại” (Nayan Chanda, “Friend of Foe?”, Far Eastern Economic Review, 22/6/2000, tr. 32).

Sau 11/9/2001, thời kỳ chuyển tiếp “hậu Chiến tranh Lạnh” kết thúc, tất cả các nước lớn đều điều chỉnh lại chiến lược của mình. Hay nói đúng hơn, thời kỳ nhì nhằng chiến lược sau CTL đã chấm dứt, các nước lớn đã rõ hơn về đường hướng và mục tiêu đại chiến lược của mình. Liệu Việt Nam có thể đóng vai trò gì trong mô hình trật tự thế giới mới của Mỹ và Trung Quốc? Đây sẽ là một câu hỏi quyết định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tương lai.

Kết luận

Quan hệ Việt-Trung trong gần 2200 năm lịch sử của nó đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Có lúc Việt Nam là quận huyện của Trung Quốc mà cũng có lúc Việt Nam lại thuộc về Pháp, lấn lướt được Trung Hoa. Có lúc Việt Nam chịu thần phục Trung Quốc nhưng có lúc lại liên minh với Liên Xô để đối đầu lại Trung Hoa. Mỗi giai đoạn như vậy, trong nội bộ Việt Nam cũng như Trung Quốc đều có các quan điểm khác nhau. Phía Việt Nam có phe nhấn mạnh điểm đồng và có phe nhấn mạnh điểm dị. Phía Trung Quốc có phái coi Việt Nam như kẻ trong nhưng cũng có phái xem Việt Nam như người ngoài.

Tuy nhiên, xuyên suốt gần 22 thế kỷ, tương quan vị thế giữa Việt và Trung vẫn mang một hằng số. Quan hệ Việt-Trung có thể ví như quan hệ giữa một người và một con chip (micro- processor) gắn vào thân thể người đó:

không rời nhau được, nhưng lại
không đồng hóa được nhau, nhất là
không bao giờ cùng đẳng cấp,
và nhiều đặc điểm khác.
Xuyên suốt gần 22 thế kỷ, cái nhìn của Trung Quốc về Việt Nam giống như cái nhìn của một người về con chip gắn vào thân thể người đó. Cái nhìn của Việt Nam về Trung Quốc giống như cái nhìn của con chip về cơ thể mà nó gắn vào.

* Cornell University, Ithaca, New York, Mỹ. Tác giả cảm ơn hai người thẩm định của Thời Đại Mới, các anh Cao Huy Thuần, Ngô Vĩnh Long, Keith Taylor, James Anderson và Vũ Hữu Nghị về những phê bình, gợi ý và nhận xét quý báu, đặc biệt cảm ơn anh Vũ Quang Việt đã cung cấp một số tài liệu và ý kiến giá trị cũng như đã khích lệ viết bài này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(một số tác phẩm tiêu biểu về từng đề tài)

Về lịch sử Việt Nam Cổ, Trung và Cận đại, các quan hệ kinh tế-xã hội và đối ngoại, xem: Lê Thành Khôi, Le Viêt-Nam: Histoire et civilisation. Paris: Minuit, 1955; Lê Thành Khôi, Histoire du Viêt Nam: des origines à 1858. Paris: Sudestasie, 1981.
Về lịch sử Việt Nam thời Cổ và Trung đại, các quan hệ kinh tế-xã hội đặt trong bối cảnh quốc tế, xem: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, Tập 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1981.
Về quan hệ Việt-Trung thời Bắc thuộc, sự hình thành ý thức bản ngã Việt từ sự tiếp xúc và cọ sát với các cộng đồng người láng giềng, xem: Keith W. Taylor, The Birth of Vietnam. Berkeley: University of California Press, 1983.
Về so sánh hai mô hình chính trị Việt Nam (thời Nguyễn) và Trung Quốc (thời Thanh), xem: Alexander B. Woodside, Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1971.

Về trật tự thế giới kiểu Tàu và quan niệm cổ truyền của Trung Quốc về trật tự thế giới, xem: John K. Fairbank (bt.) The Chinese World Order: Traditional China’s Foreign Relations. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1968; Charles P. Fitzgerald, The Chinese View of Their Place in the World, London: Oxford University Press, 1964.

Về viễn tượng của Việt Nam về thế giới, quốc gia và quốc gia trong thế giới qua các thời kỳ, xem: Alexander L. Vuving, “The References of Vietnamese States and the Mechanisms of World Formation”, Asien, số 79, tháng 4/2001, tr. 62-86.
Về vận động địa chính trị và đại chiến lược của Việt Nam từ cổ xưa đến trước lúc thuộc Pháp, xem: Vũ Hoằng Dương, “Nghĩ vào cuối thế kỷ: Nước non, non nước …” (2 phần), Cánh Én, số 45 và 47, 1995.

Về đại chiến lược của Việt Nam trong thời kỳ Trung đại, cũng như thái độ của Việt Nam với Trung Quốc xem: Trần Quốc Vượng, “Tradition, Acculturation, Renovation: The Evolution Pattern of the Vietnamese Culture”, trong David G. Marr, A. C. Milner (bt.) Southeast Asia in the 9th to the 14th Centuries. Singapore: Institute for Southeast Asian Studies, 1988; Trần Quốc Vượng, “Dân gian và bác học”, in lại trong cùng tác giả, Trong cõi. Garden Grove, CA: Trăm Hoa, 1993, tr. 159-195; Trần Quốc Vượng, “Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII”, in lại trong cùng tác giả, Trong cõi. Garden Grove, CA: Trăm Hoa, 1993, tr. 65-75.

Về thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc, trong so sánh với Nhật Bản, xem: Vĩnh Sính, “‘Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên’ – vị trí lịch sử của Trung Quốc đối với Việt Nam và Nhật Bản”, Diễn Đàn, số 26, tháng 1/1994, tr. 28-30.
Về đặc điểm sự giao lưu giữa Việt Nam với bên ngoài, xem: Trần Quốc Vượng, “Việt Nam: 100 năm giao thoa văn hóa Đông-Tây”, Đất Mới, bộ 3, số 3&4, 1991, tr. 32-44.

Về cách ứng xử của Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc nhằm phục vụ mục tiêu đại chiến lược của mình (thời kỳ 1956-1969), xem: W. R. Smyser, The Independent Vietnamese: Vietnamese Communism Between Russia and China, 1956-1969. Athens, Ohio: Ohio University Center for International Studies, Southeast Asia Program, 1980.

Về cuộc xung đột Đông Dương lần 3 và quan hệ Việt-Trung trong ngũ giác Việt Nam-Trung Quốc-Mỹ-Liên Xô-Campuchia thời kỳ sau 1975, xem: Nayan Chanda, Brother Enemy. The War after the War: The History of Indochina since the Fall of Saigon. San Diego: Harcourt Brace Jovanovich, 1986.

Về các thế giới quan làm nền cho chính sách đối ngoại của Việt Nam (Hà Nội) trong thời hiện đại, xem: Eero Palmujoki, Vietnam and the World: Marxist-Leninist Doctrine and the Changes in International Relations, 1975-93, London: Macmillan Press, 1997; Gareth Porter, “The Transformation of Vietnam’s World-view: From Two Camps to Interdependence,” Contemporary Southeast Asia, bộ 12, số 1, 6/1990, tr. 1-19; Võ Văn Kiệt, “Thư gửi Bộ Chính trị”, 9/8/1995, in lại trong Diễn Đàn, số 48, 1/1996, tr. 16-23; Nguyễn Cơ Thạch, Thế giới trong 50 năm qua (1945-1995) và thế giới trong 25 năm tới (1995-2020). Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia, 1998.

Về chặng đường ngoại giao Việt Nam 1975-1991, quan điểm của lãnh đạo và cách xử lý mối quan hệ với Trung Quốc cũng như vấn đề Campuchia, giai đoạn bản lề 1987-91, xem: Trần Quang Cơ, Hồi ức và Suy nghĩ, mimeo, gộp hai bản 2001/2003 (hai chương 13 và 14 về cuộc gặp cấp cao Thành Đô 1990 in lại trên Diễn Đàn, số 134, tháng 11/2003, chương 1 về quan hệ Việt-Mỹ và thời cơ bỏ lỡ năm 1977 trích đăng trong Diễn Đàn, số 136, tháng 1/2004); cũng xem thêm về quan hệ Việt-Trung, quá trình bình thường hóa: Carlyle Thayer, “Sino-Vietnamese Relations: The Interplay of Ideology and National Interest”, Asian Survey, 6/1994.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét