Socplay

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Anh công bố video tàu Trung Quốc đe dọa đâm chiến hạm Mỹ trên Biển Đông

Chiến hạm Type-052C Trung Quốc không chỉ áp sát nguy hiểm mà còn dọa đâm khu trục hạm USS Decatur trong chuyến tuần tra Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Anh hôm qua công bố các tài liệu nội bộ, trong đó có video chưa từng được công khai cho thấy vụ tàu chiến Trung Quốc áp sát, cắt mặt khu trục hạm Mỹ trên Biển Đông hôm 30/9. Tài liệu khẳng định chiến hạm Trung Quốc không chỉ áp sát mà còn đe dọa tàu chiến Mỹ, theo SCMP.

Tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ khi đó tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) được Mỹ thường xuyên thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ đã gặp phản ứng bất ngờ từ phía Trung Quốc, khi tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C áp sát USS Decatur ở khoảng cách 41 m và suýt gây va chạm.

Trong video, một thủy thủ Mỹ nói rằng chiến hạm Trung Quốc đang áp sát mạn trái USS Decatur ở khoảng cách 41 m và tìm cách buộc tàu Mỹ chuyển hướng. Dường như các miếng đệm sườn tàu cũng được thủy thủ Trung Quốc triển khai. Collin Koh, học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore nhận định đây là dấu hiệu cho thấy thủy thủ đoàn tàu Lan Châu đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cú va chạm mạnh với tàu chiến Mỹ.

Trước đó, khu trục hạm Trung Quốc cũng phát đi thông điệp cứng rắn. "Các bạn đang đi theo lộ trình nguy hiểm. Nếu không đổi hướng, các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả", tàu chiến Trung Quốc cảnh báo.


Chiếc Lan Châu áp sát mũi tàu USS Decatur hôm 30/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh.

"Chúng tôi đang đi qua vô hại", tàu Mỹ đáp lại. Quan chức Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khi đó khẳng định khu trục hạm Trung Quốc đã cơ động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Bill Hayton, học giả thuộc Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Chatham, Anh đánh giá động thái của Trung Quốc dường như là quyết định có chủ đích để tăng cường mức độ phản đối, thay vì chỉ là hành động bột phát của chỉ huy tàu Lan Châu.

"Đây là lần đầu tên chúng ta thấy Trung Quốc đe dọa trực tiếp tàu chiến Mỹ bằng những lời lẽ như vậy. Trước đây, họ chỉ nói rằng 'bạn đang đi vào vùng biển của Trung Quốc, hãy tránh xa'. Việc cảnh báo 'chịu hậu quả' dường như mang ý gia tăng mức độ đe dọa", Hayton nhận định.

Ni Lexiong, giáo sư tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, cho rằng những hành động này cho thấy sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong trường hợp leo thang xung đột với Washington.


"Mỹ liên tục thách thức lợi ích của chúng tôi bằng việc đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Việc áp sát tàu chiến của họ cho thấy chúng tôi sẵn sàng đối đầu", Ni nói, nhưng nhấn mạnh các động thái của hai bên chỉ nhằm phô trương sức mạnh, khó có khả năng xảy ra xung đột trực diện.

Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson hôm 1/11 kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển, chỉ vài ngày sau khi khẳng định Washington sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải để phản đối các yêu sách phi pháp.

"Một sự cố đâm va có thể leo thang thành khủng hoảng lớn, như vụ trinh sát cơ Mỹ va chạm với tiêm kích Trung Quốc gần đảo Hải Nam năm 2001", Bredan Taylor, phó giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét